Tôi được làm thầy giáo

Bài viết của Thầy Vũ Tích Khuê Nguyên Hiệu phó trường cấp 3 Hải Hậu: Tôi được làm thầy giáo.

Sau 16 năm cắp sách đến trường, trong đó có khóa học tròn 24 tháng đào tạo giáo viên dạy tiếng Trung Quốc tại Khu học xá Nam Ninh thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, ra trường, tôi được về dạy học ở Nam Định, đất có truyền thống hiếu học. Năm 1956 tôi dạy ở trường cấp 2 huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (lúc này Nam Định tỉnh và Nam Định Thành phố còn là hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương).

Năm 1957, tôi được điều về dạy ở trường cấp 3 Liên khu 3 đóng tại TP Nam Định (lúc này Nam Định tỉnh và Nam Định thành phố đã sát nhập làm một).

Về trường, đặc biệt trường cấp 3 Liên khu 3, rồi cấp 3 Lê Hồng Phong, tôi sung sướng được gặp lại các thầy giáo cũ của tôi như thầy Đào Văn Định - Hiệu trưởng, thầy Lại Đức Khái - Hiệu phó, thầy Oánh, thầy Minh, thầy Vôn… và các bác đàn anh như bác Hoàng Trung Tích - Bí thư chi bộ, Hiệu phó, bác Xương, bác Thực, bác Dực, bác Cường, bác Thịnh, bác Tràng, bác Tấn, bác Phức… Các bạn cùng trang lứa như anh Cao, anh Quý Hiệp, anh Am, anh Ngọc, anh Cung, anh Mười, anh Nhuyên, anh Đĩnh, chị Như, chị Hồng... Tôi tự thấy mình vinh hạnh được là đồng nghiệp của các Thầy, các bác và các bạn ấy. Họ là những nhà giáo tài năng, nhiệt tình, chân thành, hết lòng động viên giúp đỡ tôi. Nhờ có tình Thầy trò, nghĩa bạn bè, quan hệ đồng nghiệp trong sáng đã tạo điều kiện cho tôi trưởng thành. Tôi được giao làm Chủ nhiệm lớp 9C trường cấp 3 Liên khu 3, rồi Chủ nhiệm lớp 8E cấp 3 Lê Hồng Phong. Tôi là một trong số ít giáo viên trẻ của trường (anh Cao, anh Am và tôi) được chi bộ bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Tháng 2-1960 ba chúng tôi được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, “khóa 6-1”.

Với tôi, đây là những tháng năm hào hứng nhất, vô tư nhất trong công tác giáo dục của mình.

Tháng 8-1960, tôi lại xa trường, chia tay các Thầy, các bạn đồng nghiệp và học sinh thân yêu đi nhận nhiệm vụ tại trường mới.

Tháng 9-1960, trường cấp 3 Hải Hậu, trường cấp 3 ở nông thôn đầu tiên của tỉnh được thành lập. Tôi là lứa giáo viên đầu tiên về trường. Chúng tôi mượn một phòng học của trường cấp 2 xã Hải Phương, ngăn ra một gian vừa làm văn phòng vừa là nơi đón tiếp các bạn đồng nghiệp lần lượt về nhận nhiệm vụ.

Hải Hậu là một miền quê giàu truyền thống cách mạng, một trong những nơi đi đầu phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, là vùng thuần nông, nơi đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Nơi đây giặc đã từng gieo rắc bao đau thương, tang tóc cho người dân yêu nước, cần cù lao động: “Sự kiện Xuân Hà Tang Điền”, “Vụ đàn áp nông dân ở đồn điền Tham Oánh”, “Thảm kịch Cầu Đôi” v.v…

Trường cấp 3 Hải Hậu ra đời làm nức lòng nhân dân, học sinh Hải Hậu và các huyện xung quanh như Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Nam Trực.

Cán bộ giáo viên lúc đầu chỉ có 11 người từ nhiều nơi về đây. Mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng, nhưng cùng một suy nghĩ: Mở trường cấp 3 Hải Hậu là đáp ứng nguyện vọng lâu đời của nhân dân, là bù đắp những thiệt thòi của học sinh miền quê xa xôi hẻo lánh, mở ra cơ hội học tập cho con em đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Đó là động lực quan trọng gắn bó anh em chúng tôi, dốc lòng dốc sức “Vì học sinh thân yêu”.

Ngày khai trường thực sự là một ngày hội của thầy trò và nhân dân địa phương, một mốc son lịch sử của sự nghiệp Giáo dục Hải Hậu. Ai cũng biết thời kỳ đó, địa phương ngổn ngang công việc. Lãnh đạo sản xuất phục hồi kinh tế sau chiến tranh, xây dựng CNXH và sẵn sàng chi viện cho cách mạng miền Nam, nhưng các vị lãnh đạo của huyện luôn quan tâm giúp đỡ nhà trường. Cán bộ giáo viên chúng tôi không ai quên được hình ảnh các ông Hiền A (Bí thư), ông Ru (Chủ tịch), ông Hiền B (Phó chủ tịch), ông Yên (Chủ tịch Mặt trận)..., các đồng chí Huyện đoàn thường đến trường gặp gỡ anh em chúng tôi, giúp giáo viên, những trí thức trẻ có cơ hội gần gũi, hiểu biết nhân dân địa phương, học làm công tác Dân vận.

Bài học lớn nhất đối với Thầy trò chúng tôi là: Lòng Dân!

Nhân dân quanh trường hầu hết là đồng bào theo đạo Thiên Chúa, thuần nông, phần đông còn nghèo, nhà cửa chật chội vẫn nhường chỗ tốt nhất cho Thầy trò nơi ăn chốn ở, học tập. Cán bộ giáo viên và học sinh được nhân dân quí mến, gặp nhau chào hỏi như người thân quen.

Tôi được phân công làm giáo viên Chủ nhiệm, Bí thư Đoàn trường, kiêm Bí thư chi đoàn giáo viên, phụ trách công tác giáo dục lao động, dạy Trung văn và dạy Chính trị, sau đó được đề bạt làm Hiệu phó.

Các bạn đồng nghiệp ai cũng sẵn sàng nhận mọi công việc được giao. Trường mới, trường lớp chưa có, công việc bộn bề, cán bộ giáo viên ít, chúng tôi động viên nhau lao vào công việc.

Thật không ngờ, tổng kết năm học đầu tiên của trường cũng là năm trường được Ty giáo dục khen thưởng về thành tích giảng dạy, học tập và công tác giáo dục lao động (Chúng tôi còn nhớ, thời kỳ này nhiệm vụ giáo dục lao động trong nhà trường có vị trí đặc biệt quan trọng của sự nghiệp Giáo dục).

Năm học đầu tiên, trường có 5 lớp. Hai lớp 9A và 9B từ Nam Định chuyển về, các em thực sự là con chim đầu đàn, chỗ dựa của phong trào nhà trường. Tuyển mới 3 lớp 8A, 8B, 8C. Lớp 9A rồi lớp 8B mở đầu phong trào khu tập thể ở Hải Phương và xóm 4 Hải Bắc.

Tôi không bao giờ quên cụm từ “Xóm nội trú”, bà con trong xóm thì gọi là “Xóm học sinh”. Những em đi trọ học ở tập trung theo lớp trong một xóm, các em chia thành nhóm học tập, góp gạo góp tiền tự nấu ăn tập thể. Lúc đầu, các em phân công nhau nấu ăn, sau các em có sáng kiến đổi công với HTX (Học sinh lao động cho HTX trong thời gian thích hợp, HTX cử xã viên lo bữa ăn hàng ngày cho học sinh). Sáng kiến nhỏ nhưng kết quả lớn. Các em được bà con thông cảm thương yêu và hết lòng giúp đỡ. Các em gần dân, thấy được tấm lòng chân chất của người nông dân, tuy nghèo nhưng giàu tình thương. Nhiều em, ngoài giờ học còn tham gia dạy BTVH cho nhân dân, dạy các em nhỏ học chữ, ca hát vui chơi. Sáng sớm, lúc bà con dậy chuẩn bị cho một ngày lao động thì cũng là lúc “Xóm học sinh” hò nhau tập thể dục buổi sáng. Phong trào lôi cuốn được cả các bạn thanh niên địa phương.

Xóm làng xưa nay ban đêm vốn yên tĩnh, nay tối đến sáng ánh đèn dầu, rộn ràng tiếng hát tiếng cười.

Sau này, nhiều học sinh trưởng thành, khi có cơ hội về trường vẫn nhớ đến thăm bà con ở “Xóm học sinh”. Thầy Chủ nhiệm Đỗ Hanh Thông, Nguyễn Tố Khủa lớp 8B, 9B, 10B xưa, sau nhiều năm xa trường đã cùng học sinh về Xóm 4 gặp gỡ chung vui với bà con.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng khốc liệt. Nhiều học sinh thân yêu của chúng tôi lần lượt tạm “Gác bút nghiên” lên đường. Thầy trò chúng tôi vô cùng xúc động tiễn đưa lớp thanh niên được giáo dục về lòng yêu nước ra mặt trận. Trong buổi chia tay đầy lưu luyến, có em đã trang nghiêm, nắm tay giơ cao nói lời thề quyết tâm đánh giặc, lời nói chân thành biểu lộ ý chí của tuổi trẻ. Không ai quên được hình ảnh em Đoàn Viết Ten, chích tay lấy máu viết lời thề quyết tâm giết giặc. Thầy trò chúng tôi vô cùng xúc động, nhiều người không cầm được nước mắt.

Có em trên đường hành quân, tranh thủ biên thư về thăm Thầy thăm bạn, không quên góp ý với đội bóng của lớp trong trận đấu tới phải xếp đội hình thế nào (em là cầu thủ quan trọng của lớp khi còn ở lớp) để quyết giành thắng lợi. Tôi nhận được nhiều thư của các em từ chiến trường gửi ra, em nào cũng nói lên nỗi lòng nhớ trường, nhớ thầy, nhớ bạn và bao giờ cũng hứa quyết tâm đánh giặc lập công để đền đáp công dạy bảo của các thầy, các cô. Có lá thư kể cho tôi những điều tai nghe mắt thấy trên đường hành quân, có lá thư còn cẩn thận ép một lá cây cao su từ miền Đông Nam bộ gửi ra. Trong lúc chiến tranh ác liệt, thư gửi bằng hai phong bì, phong bì ngoài ghi địa chỉ gửi cho Ban Thống nhất Trung ương, bì bên trong ghi địa người nhận ở ngoài Bắc. Có lá thư khi nhận được chữ đã nhòe, có chỗ rách không thể đọc được. Ai cũng biết bí mật chiến trường trong giai đoạn này quan trọng như thế nào, thế mà các em vẫn tìm mọi cách gửi, khiến tôi càng thấu rõ tình cảm và nỗi nhớ trường của các em. Thời gian trôi đi hơn nửa thế kỷ và gia đình tôi nhiều lần di chuyển nên hồ sơ, giấy tờ, sách vở thất lạc hư hỏng. Hiện nay, may mà tôi còn lưu được một lá thư của học sinh từ khói lửa chiến trường gửi về đề Ngày 18 tháng 10 năm 1967. Năm 1969 tôi nhận được thư từ Ban Thống nhất Trung ương. Đây là thư của em Trần Ngọc Lâm (quê xã Hải Phú, học cấp 3 Hải Hậu (ký hiệu C3H2) từ lớp 8 khóa đầu tiên. Trần Ngọc Lâm là một trong 3 học sinh giỏi xuất sắc của trường (học sinh Tân, học sinh Ân, và học sinh Lâm).

Tôi trích một vài đoạn thư của Lâm để nhớ lại những gương sáng, những điều đáng tự hào trong truyền thống của C3H2, để thêm tin yêu học sinh và càng thấy rõ hơn trách nhiệm của ngườỉ Thầy trong nhiệm vụ giáo dục:

“.... Ngày 18-10-1967. Có lẽ Thầy sẽ rất ngạc nhiên khi đọc lá thư này và lá thư này đối với Thầy cũng hết sức đột ngột, vì đã bốn năm nay, Thầy chẳng nhận thư và tin tức gì của em. Mong Thầy tha thứ... Thế là đã hơn 3 năm Thầy trò xa cách... Mới ngày nào còn ngồi trên ghế nhà trường mà nay em đã là một chiến sĩ Giải Phóng Quân và gần tròn 3 tuổi quân. Bước ngoặt cuộc đời ngoài trí tưởng tượng của em khi còn là một học trò nhỏ của Thầy… Em đã đi qua gần khắp các nẻo đường đất nước… trải qua những ngày thiếu cơm, thiếu muối, thiếu tình Thầy trò, tình quê hương và gia đình… Trải qua những trận chiến đấu ác liệt cùng đồng đội diệt giặc Mỹ, lập chiến công… Những ngày sôi nổi thi đua đánh Mỹ đã lôi cuốn em, rèn giũa em thành người chiến sĩ GPQ,… Em tự hào… quyết tâm đánh giặc, giải phóng dân tộc, giành độc lập… Đến giờ em mới hiểu sâu sắc công lao của nhà trường XHCN đã rèn luyện… cùng công lao của những người làm công tác giáo dục như Thầy đã dìu dắt thế hệ trẻ lòng yêu nước, căm thù kẻ xâm lược...  Chúng em quyết tâm giữ trọn lời thề sẵn sàng hy sinh giết giặc,…”

Chiến tranh leo thang ra miền Bắc ngày càng ác liệt, thầy trò chúng tôi tạm thời sơ tán để đảm bảo an toàn và duy trì nhiệm vụ giảng dạy và học tập.

Một lần nữa bài học Lòng Dân lại thức tỉnh Thầy trò chúng tôi. Nhân dân Hải Phương, rồi nhân dân Triệu Thông, Triệu Phúc, xóm 4 xã Hải Bắc lại mở rộng vòng tay cưu mang Thầy trò trường cấp 3 Hải Hậu.

Bà con Giáo dân nghèo, nhưng sẵn sàng nhường vườn cây ăn quả cho Thầy trò đào hào giao thông, làm hầm chữ “A”, nhường nhà Nguyện làm phòng học, nhường những gian nhà rộng nhất, đẹp nhất cho thầy trò ở. Bà con hằng đêm thường đọc kinh thờ Chúa, nay trong nhà có thầy giáo, có học sinh ở. Thật cảm động, nhiều nhà giành sự yên tĩnh cho thầy giáo soạn bài, chấm bài, học trò học bài, làm bài.

Một lần chúng tôi đi thăm các nhóm học, chứng kiến hình ảnh hai học sinh gái đang đọc tác phẩm “Tắt đèn” (Tài liệu tham khảo trong chương trình), một bà mẹ ngồi nghe, bỗng mẹ và hai em học sinh ôm nhau khóc không thành tiếng dưới bàn thờ Chúa. Thầy trò chúng tôi hiểu và đồng cảm với nỗi lòng của họ qua dòng nước mắt.

Tháng 2-1964, Công đoàn nhà trường tổ chức cưới cho vợ chồng tôi. Lễ cưới tổ chức trong một phòng học tranh tre nứa lá, đơn giản, tiết kiệm, nhưng vui vẻ, ấm cúng và tình nghĩa. Đám cưới không hoa tặng cô dâu, không nhẫn cưới, không xe đón dâu, không ăn uống, không thuốc lá, không bánh kẹo, không tiền mừng tặng phẩm.

Chúng tôi đạp xe lên Hành Thiện đèo cô dâu về Hải Hậu. Anh trai tôi lọ mọ từ quê đạp xe sang làm chủ lễ.

Ông Hạp, Hiệu trường là Trưởng ban tổ chức. Chú Hưng trang trí phòng cưới, thiếp mời do chú Tùng đánh máy, cắt xén. Ông Hạp, Hiệu trường vui vẻ đọc đoạn thơ: “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ/ Anh giành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu…”

Kết thúc buổi hôn lễ, Hiệu trưởng mời Hội đồng giáo viên ở lại nghe nhà trường phổ biến chương trình công tác tuần sau. 

Sau ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ tiến hành phá hoại đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Cuộc chiến tranh leo thang càng ngày càng khốc liệt. Tôi được lãnh đạo nhà trường phân công tổ chức di chuyển và trực tiếp phụ trách khu sơ tán các lớp học lên Triệu Thông, Triệu Phúc, xóm 4 xã Hải Bắc. Chúng tôi khẩn trương ổn định nơi ăn ở cho giáo viên, mượn vườn đất của nhân dân, vận chuyển tre nứa lá, đào hào, đắp lũy xây dựng phòng học, làm hầm hố... để mau chóng tiếp tục thực hiện chương trình giảng dạy, học tập của năm học.

Tháng 9-1966, tôi nhận được quyết định chuyển về trường cấp 3 Xuân Trường.Nhà tôi ngay cạnh trường, vợ tôi lại mới sinh con.

Ngay từ ngày đầu về trường cấp 3 Hải Hậu, trước tổ chức (Chi bộ, Huyện ủy, Ủy ban, Huyện đoàn) tôi đã tự nguyện phục vụ lâu dài ở đây và coi Hải Hậu là quê hương thứ hai của mình. Lý do rất đơn giản: Tôi là đảng viên, là Bí thư Đoàn, trường mới mở còn bề bộn khó khăn, tình cảm thầy trò, tình đồng nghiệp và lòng tốt của dân đã gắn bó tôi với trường.

Nhận được quyết định, tôi gặp lãnh đạo Ty xin ở lại trường. Lúc đó tôi mới biết Trưởng Ty muốn tạo điều kiện cho tôi được gần vợ con. Ông Thắng, Hiệu trưởng trường cấp 3 Xuân Trường tiếp tôi tại lớp chỉnh huấn hè của Ty và nhắc tôi sớm bàn giao, kịp về Xuân Trường trước khai giảng.

Khi lớp chỉnh huấn hè kết thúc, tôi định về Xuân Trường thì bất ngờ lại nhận được quyết định của Ty cho tôi được ở lại Hải Hậu.

Càng bất ngờ hơn, vợ tôi nhận được quyết định của Ty chuyển về làm công tác hành chính tại trường cấp 3 Hải Hậu. Vợ tôi và con trai 6 tháng tuổi được xếp ở nếp nhà tranh 3 gian, trước cửa lớp 8E khu vực sơ tán tại xóm Đông Cường. Vợ tôi vừa làm việc vừa nuôi con một mình. Tôi vẫn phụ trách khu B trên Hải Bắc. Tuy cách nhau không xa, nhưng khu B nhiều lớp, nhiều học sinh và giáo viên, có bếp ăn tập thể, có nhà văn phòng nơi sơ tán, nên tôi vẫn sáng thứ hai lên khu sơ tán, cuối tuần mới về khu Đông Cường với vợ con.

Chúng tôi quyết định gửi con về bà ngoại.

Tháng 5-1968, vợ tôi sinh con thứ hai tại trạm xá Triệu Thông. Ba giờ sáng ngày 23 tháng 5 năm 1968 tôi dậy sớm để đạp xe kịp vượt sông Đào đi họp Ty nơi sơ tán. Vợ tôi trở dạ, chú Trừu cùng tôi khiêng cáng qua cầu khỉ sang trạm xá Triệu Thông, trời tối đen như mực, nhưng không dám rọi đèn vì sợ máy bay giặc.

Sau trận bão, trường lớp tan hoang. Vợ chồng tôi nhận được quyết định chuyển về Xuân Trường.

Thế là lần thứ ba tôi bị điều đi khỏi Hải Hậu (Lần thứ nhất điều về Ty khi sát nhập Hà Nam, Nam Định, lần thứ hai về cấp 3 Xuân Trường, và lần này, 1968 về cấp 3 Xuân Trường).

Đối với tôi, những năm tháng ở trường cấp 3 Hải Hậu là giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách và cũng nhiều niềm vui trong quãng đời làm công tác Giáo dục. Tình Thầy trò, nghĩa bạn bè đồng nghiệp và đặc biệt là sự đùm bọc của nhân dân đã giúp tôi trưởng thành.

Xa trường, xa Hải Hậu, nhưng trong trái tim tôi luôn ấp ủ nỗi nhớ Hải Hậu. Hình ảnh các bạn đồng nghiệp thuở ban đầu, đồng cam cộng khổ, thương yêu, thông cảm, giúp đỡ nhau như các anh Bá Cao, Khánh Cao, Thông, Thiên, Khủa, Ấp, Huy, Hải, Hạp, Thịnh, Trừu, Kỳ, Tú, Ngọc, Vinh, Hưng, Tần, Tấn, Toàn, Oánh, Châu, Lập, Phiên, Đạm, Chín...; Và các cô: cô Diệm, cô Dung, cô Diệp, cô Quyết, cô Thuần... lưu mãi trong tâm trí tôi. Xa C3H2 nhưng những hình ảnh thân thương, những cái tên như Hải Phương, Hải Bắc, phố Đông Cường, chợ Đông Biên, chùa Tùng Lâm, nhà xứ Đông Biên, cầu Yên Định, Triệu Thông, Triệu Phúc, xóm 4 Hải Bắc, xóm Xăng-Ty, Đất Vượt, chợ Cồn, Văn Lý, cầu Ngói Hải Anh v.v.vẫn gần gũi quen thuộc như ngày hôm qua.

Nghĩ đến trường C3H2, tôi càng nhớ thương các bạn đồng nghiệp đã vội từ giã chúng ta. Chúng tôi biết ơn họ vì những ngày đồng cam cộng khổ “Vì học sinh thân yêu”.

Tôi mừng vì nhiều học sinh của chúng ta đã trưởng thành, họ tự hào mang danh học sinh C3H2.

Vô cùng tiếc thương những học sinh thân thương đã đi xa không bao giờ trở về. Họ đã hy sỉnh cả cuộc đời mình để chúng ta được sống trong yên vui hạnh phúc hôm nay.

Sau năm 1975, tôi được điều về Sở giáo dục Hà Nam Ninh đảm nhiệm công việc khác. Thế là tôi phải xa mái trường, xa học trò thân yêu, xa công việc mà nhiều đời cụ, ông, bác, bố và vợ chồng tôi theo đuổi - DẠY HỌC, một nghề cao quý trong những nghề cao quý nhất.

Trên cương vị công tác mới, tuy được cấp trên cất nhắc giao cho công kia việc nọ, nhưng cuộc sống luôn bộn bề, khó khăn thử thách nhiều, hoàn cảnh xã hội đổi thay, các mối quan hệ với cấp trên, cấp dưới vô cùng phức tạp, tôi chỉ biết lao vào công việc và không nguôi nhớ các bạn đồng nghiệp từng đồng cam cộng khổ, thiếu thốn mọi bề nhưng vẫn thương yêu đùm bọc nhau. Đặc biệt nhớ học sinh, những chàng trai cô gái thiếu ăn thiếu mặc, áo vải chân đất mà vẫn ham học, ham làm, kính thầy mến bạn.

Mười sáu năm đi học để được làm Thầy giáo.

Hai mươi ba năm được đứng trên bục giảng dạy học.

Mười bảy năm công tác tại Sở Giáo dục.

Năm 1996, tôi nhận sổ hưu và thành một Cựu giáo chức. 

Vợ chồng tôi đều theo nghề dạy học. Chúng tôi có 3 con, chúng may mắn được các thầy - cô giáo dạy dỗ, nay đã trưởng thành. Tháng 10-2008, chúng tôi có 7 cháu nội ngoại. Con, cháu là niềm tự hào, là niềm an ủi của vợ chồng già chúng tôi.

Noi gương các thầy của tôi, học tập các bạn đồng nghiệp, và được học trò cũ động viên, tôi vẫn say sưa tự học, cặm cụi học sử dụng máy vi tính, hưởng thụ thành quả của thời đại công nghệ Thông tin, đọc sách, dịch sách, viết báo... để có cơ hội giao lưu với các bạn già. Tôi cũng giành lúc thích hợp nghe lại những bản nhạc, những khúc tình ca, những giai điệu Thần Tiên say đắm một thời. 

Tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm, nhưng tình thầy trò, nghĩa bạn bè trong tôi không bao giờ cạn. Tôi khao khát được nhiều dịp gặp bạn cũ trò xưa, vì tôi yêu mến họ và họ cũng quý mến tôi.

Con kính cẩn tưởng nhớ và biết ơn các thầy - cô, những người Thầy mẫu mực và tài năng đã dạy con từ khi cắp sách đến trường, trong những năm chiến tranh và những ngày hòa bình, truyền dạy cho con tình thương học trò và lòng yêu nghề dạy học suốt đời.

Tôi nghiêng mình tưởng nhớ các bạn đồng nghiệp từng đồng cam cộng khổ hết lòng “Vì học sinh thân yêu”, đã ra đi trước tôi.

Thầy cũng thương nhớ và biết ơn những học trò yêu quý đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để thầy, cô và bạn bè của các em được hưởng cuộc sống bình yên hôm nay.

Các bạn đồng nghiệp thân mến! Tôi cầu chúc các bạn nhiều sức khỏe, may mắn và an lành. Mong có thật nhiều dịp được gặp gỡ nhau, ôn lại những kỷ niệm một thời đồng cam cộng khổ “Vì học sinh thân yêu”.

Các em học sinh yêu quý! Các thầy, các cô tự hào về các em, những cô cậu học trò mới ngày nào còn thơ ngây, nghịch ngợm, ham học, ham chơi, nay đã khôn lớn trưởng thành, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh khác nhau vẫn còn nguyên vẹn tình Thầy - trò, nghĩa bạn bè trong sáng của tuổi học trò.

Hà Nội, ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2016

Vũ Tích Khuê

Nguyên Hiệu phó trường cấp 3 Hải Hậu.

Tin liên quan