Chuyện "cổ tích" C3H2

Bài viết của thầy Đỗ Hanh Thông Giáo viên dạy Toán 1960 - 1964 Nguyên Hiệu phó cấp 3 Hải Hậu từ 1963: Chuyện cổ tích C3H2

Cháu tôi đang học THPT (tức cấp III như tên gọi cũ) nên tôi thường hay kể chuyện đi học trước đây cho các cháu nghe để các cháu biết “ôn cố tri tân” mà định hướng phấn đấu cho mình. Tôi đã kể cho cháu nghe khá nhiều chuyện xung quanh việc dạy và học ở các trường cấp III thời chống Mỹ, nhiều nhất và cụ thể nhất là những chuyện ở cấp III Hải Hậu trong những năm đầu trường mới thành lập mà tôi đã được có mặt tại đó. Từ những chuyện rất nhỏ trong đời sống và học hành của học trò ở khu trọ, đến các mối quan hệ hàng ngày với bạn học, với thầy - cô giáo, với gia chủ và nhân dân địa phương,...

Trên hết là chuyện ý thức trách nhiệm với đất nước qua thái độ học tập chăm chỉ, nghiêm túc hàng ngày, qua tinh thần sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Chẳng hạn, chuyện trang phục học sinh cấp III thời ấy quá khiêm nhường, đậm chất dân quê: chân dép lốp, quần áo nâu sồng, đi bộ quanh năm, rất vắng xe đạp đến trường. Chuyện đi trọ học xa nhà hàng chục cây số và hàng tuần phải về nhà lấy gạo vẫn với đôi chân dẻo dai không biết mỏi. Chuyện bữa cơm đạm bạc hàng ngày chỉ với hai phần gạo một phần khoai, ăn với rau muống hoặc rau lang luộc chấm mắm cáy là chủ lực. Chuyện có tuần mang không đủ gạo, đành phải ăn cháo hoặc chỉ ăn một bữa một ngày, nếu tuần nào rủi không có tiền, gạo thì phải vay các bạn cùng nhóm trọ. Rồi chuyện thiếu tiền mua sách vở nên phải đi kiếm giấy thải loại ngâm nước gạo phơi khô để làm giấy nháp, và vì nghèo nên đành vài bạn chung nhau một bộ sách giáo khoa, bạn này mua quyển Văn thì bạn kia mua quyển Sử để luân phiên dùng học. Có nhiều bạn chỉ có đúng một bộ rưỡi quần áo để thay đổi trong tuần, hè cũng như đông. Nhiều bạn thiếu áo rét nên phải mượn áo của nhau. Có bạn không có áo rét, được thầy giáo thương tình san sẻ cho một chiếc áo trấn thủ đã cũ của thầy để mặc tạm. Khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng họ vẫn đi học đều, vẫn chăm chỉ, không ai bỏ học, và tất cả đều trưởng thành sau ba năm học.

Về việc học thời ấy thì chuyện kèm cặp phụ đạo cho các bạn học yếu của từng bộ môn luôn được các thầy - cô giáo quan tâm tổ chức ngay từ tháng đầu. Có nhóm học sinh được thầy - cô phân công cán sự bộ môn là những bạn học giỏi kèm cặp. Nếu học sinh yếu đông hơn thì các thầy - cô bố trí phụ đạo ít nhất một buổi một tuần. Học thêm như thế nhưng cả thầy và trò đều rất vô tư không mảy may nghĩ đến chuyện thu tiền học thêm (có tiền đâu để nộp mà thu). Ở cấp III Hải Hậu thời đó còn có nhiều chuyện rất đặc biệt mà có lẽ chưa thấy có ở đâu. Đó là chuyện thầy giáo Chủ nhiệm đi tìm nhà trọ cho học trò, thầy giáo Chủ nhiệm chủ động đứng ra tổ chức khu trọ tập thể ở gọn trong một thôn cho học trò lớp mình, rồi sau đó lại tổ chức bếp ăn tập thể cho học trò dựa vào sự giúp đỡ của HTX nông nghiệp địa phương. Hiệu quả to lớn của việc này là khu trọ tập thể đã thực sự trở thành một gia đình lớn đặc biệt, đáng tin cậy, các thành viên đồng môn trở thành anh chị em trên nhiều nghĩa. Ở đó luôn có sự cưu mang, giúp đỡ nhau về vật chất, có sự nâng đỡ nhau về tinh thần, có sự hợp tác và hỗ trợ nhau về học tập và rèn luyện. Và với tập thể 8B, 9B, 10B khóa 1 thuở ấy thì có lẽ đó là một dấu ấn đẹp khó quên, mãi không thể quên trong quãng đời học sinh cấp III của mỗi người.

Đó là chuyện tổ chức họp phụ huynh học sinh định kỳ đầu năm học và cuối mỗi học kỳ ngay tại địa bàn trọ học của lớp để phụ huynh các huyện cách xa trường 10 - 15 km về dự, với những nội dung rất thiết thực như tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh, báo cáo kết quả học tập của lớp và của từng học sinh, bàn biện pháp phối hợp giáo dục giữa phụ huynh và nhà trường, bàn cách khắc phục hoàn cảnh để tạo điều kiện ăn ở, học hành tốt hơn cho học sinh trong suốt cả ba năm học cấp III (chứ tuyệt nhiên không có chuyện vận động đóng góp tiền cho lớp, cho trường như thời nay!). Còn phải kể đến chuyện những lần sơ tán lớp học, đào hầm hào tránh bom ngay cạnh lớp học, đi học phải đội mũ rơm, chuyện tổ chức liên hoan tiễn bạn lên đường nhập ngũ vô cùng cảm động,...

Cháu tôi nghe tôi kể chuyện rất chăm chú, luôn tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên. Sau những lần nghe chuyện, cháu tỉ tê tâm sự: Cháu biết chuyện ông kể là sự thật, nhưng với chúng cháu thì phải coi đó như là chuyện “cổ tích” đấy ông ạ! Không phải vì chuyện xảy ra đã lâu, lúc các cháu chưa ra đời, nên các cháu không thể hình dung nổi, không thể hiểu hết ngọn nguồn, nên gọi là “cổ” đâu. Mà cái chính là ngày nay không thể có chuyện tương tự, dù là giả định. Tư duy các thế hệ trẻ bây giờ khác lắm, nên nếu có xảy ra những chuyện ông kể thì khó mà vượt qua, vì không ai dám đối mặt, không ai có thể hóa giải thành công như thời ngày xưa của các ông đâu! Chúng cháu gọi là “cổ tích” vì trong đó đang ẩn chứa những bí quyết rất siêu, mà chúng cháu bây giờ chưa hiểu hết nên rất khó học để làm theo, cần nghiên cứu nghiêm túc mới khám phá được. “Ôn cố tri tân” mà ông! Chúng cháu coi đó là “cổ tích” vì trong đó chúng cháu đã nhìn thấy le lói bóng dáng những giá trị nhân văn cao đẹp mà thời nay rất hiếm gặp: những khát vọng cháy bỏng, những phẩm chất đạo đức trong sáng, những tình cảm lành mạnh,... trong bước đường học hành để làm người, để cống hiến. Cứ như cái mạch tư duy trong các chuyện cổ tích (phần Văn học dân gian) mà các cháu đã học, thì thành công của những học trò nghèo trong bối cảnh nghiệt ngã thời ấy chỉ có thể được hóa giải bằng sự trợ giúp của thánh thần, Trời Phật. Nên chi cháu ví những chuyện ông kể như là chuyện cổ tích có lẽ vì ám ảnh bởi khía cạnh tâm linh này đấy ông ạ! Chính cái thời “cổ tích” ngày xưa mà thế hệ ông bà đã từng dạy và học đó đã trực tiếp góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước để nước mình có được như hôm nay. Chúng cháu thật lòng trân quý, không thể bàng quan, không dám coi thường!...

Nghe cháu nói, tôi thấy quả là các cháu mới nhìn được một khía cạnh, một chiều của sự phát triển. Còn thầy trò chúng ta hồi ấy, bây giờ đã là những ông bà già ở tuổi “xưa nay hiếm”, thì chắc phải có những suy ngẫm sâu hơn, đa chiều hơn. Tôi xin mạn phép được nêu lên vài suy nghĩ cá nhân như sau. Nếu bỏ qua những khiếm khuyết, những lúng túng, những ấu trĩ,... tất yếu, và chủ yếu là do khách quan mang lại, thì Giáo dục (GD) thời ấy là một giai đoạn phát triển khá ấn tượng, là phần sáng nhất trong lịch sử phát triển của GD Việt Nam, tính cho đến thời điểm này. Dù còn ở trình độ thấp, nhất là về chất lượng dạy chữ, nhưng GD thời đó Đẹp, Sạch, Nhân Văn, Trung Thực. Ý kiến đánh giá trên đã được khá nhiều cựu giáo chức, nhất là những vị thuộc lứa U70, U80, đồng tình và tâm đắc, bởi vì đó là một sự đối sánh khách quan, thẳng thắn với thực trạng nền GD hiện nay. Do đó bây giờ kể lại chuyện về GD thời xưa ấy thì không chỉ bọn trẻ mà chính chúng tôi cũng coi đó như là “cổ tích” của GD Việt Nam. Và có lẽ có rất nhiều người trong lớp giáo già chúng tôi đều đã nhìn rõ hơn ai hết (không chủ quan) cái thực trạng bầy hầy và khủng hoảng của GD Việt Nam hiện nay. Không ai là không day dứt, không đau lòng về thực trạng đáng lo buồn này, và tha thiết muốn thay đổi thực sự, thay đổi từ gốc. Do thiếu một định hướng vĩ mô đúng đắn cho GD, thiếu một triết lý GD chuẩn xác nên GD hiện nay thực sự là đang khủng hoảng, đang tồn tại khá nhiều bất cập, khuyết tật, nhiều sai lầm cơ bản. Phải chăng đó là:

- Mục tiêu GD toàn diện bị bóp méo, thậm chí bị hy sinh cho mục tiêu thực dụng “học để thi” của nền GD ứng thí xưa cũ?

- GD Việt Nam đang bị thương mại hóa ngày càng nặng nề, đến mức bẩn thỉu, nhơ nhớp.

- GD Việt Nam ngày càng bất bình đẳng, thiếu dân chủ và mất công bằng.

- GD Việt Nam là một nền GD không trung thực khá điển hình, kéo dài, đang sở hữu rất nhiều sản phẩm giả...

Tôi mong hậu duệ của Cấp III Hải Hậu hãy giữ gìn cho được những nét “cổ tích” đáng yêu của thời Cấp III Hải Hậu, như ông cháu tôi đã trò chuyện, tìm cách “miễn dịch” với những “khuyết tật chết người” như đã nêu trên, phấn đấu để trường phát triển bền vững, xứng danh với tên tuổi của ngôi trường đã vang bóng một thời!

 -----

Tháng 4 năm 2020

Đỗ Hanh Thông

Giáo viên dạy Toán 1960-1964

Nguyên Hiệu phó cấp 3 Hải Hậu từ 1963.

Tin liên quan