Ký ức Hải Hậu

Bài viết của thầy Nguyễn Tố Khủa Nguyên Hiệu phó trường cấp 3 Hải Hậu: Ký ức Hải Hậu

Tôi công tác ở trường cấp 3 Hải Hậu vẻn vẹn chỉ có bốn niên học, so với gần 40 năm của cuộc đời công tác Giáo dục của mình thì thật là ngắn ngủi, nhưng lại là bốn năm cực kỳ quan trọng trong quá trình công tác của tôi.

Chúng tôi học và trưởng thành vào thời kỳ phong trào thanh niên “Tam bất kỳ”.

Tôi và một số bạn cùng khóa có quyết định của Bộ Giáo dục về nhận công tác tại Trường Sư phạm Cấp 2 Nam Định, nhưng khi về tới Ty Giáo dục Nam Định người ta lại chuyển về trường cấp 3 Hải Hậu, với lý do rất đơn giản: vì chúng tôi là sinh viên mới ra trường, chưa có tay nghề để dạy ở một trường Sư phạm đào tạo giáo viên(!)

Cấp 3 Hải Hậu là trường mới mở cho các huyện duyên hải của tỉnh Nam Định lúc bấy giờ. Gọi là trường nhưng phòng ốc chưa có, phải học nhờ địa điểm của Trường cấp 2 Hải Phương. Giáo viên trọ rải rác mấy nhà dân ở phố Đông Biên và trong xóm lân cận. Tất cả đều mới mẻ và thiếu thốn. Bộ môn tôi dạy là khó khăn nhất vì thiếu nhiều dụng cụ thí nghiệm. Sẵn tinh thần “Ba sẵn sàng”, tôi lao vào công tác, vừa dạy học vừa mày mò làm thêm một số đồ dùng dạy học. Thời bấy giờ một mẩu tôn, mấy nút dây điện cũng rất khó kiếm. Song được nhà trường và đồng nghiệp ủng hộ, tôi đã tổ chức được một nhóm học sinh cùng tôi làm đồ dùng dạy học. Nhờ vậy đã làm được một số mô hình để dùng cho việc dạy và học Vật lý. Sau ba năm xoay xở, vật lộn với công việc này, trong một buổi làm việc với ông Phó trưởng Ty Giáo dục về làm việc với trường, tôi đã thẳng thắn trình bày quan điểm của mình rằng, cần phân biệt rõ những đồ dùng dạy học có thể tự làm và những dụng cụ thí nghiệm đích thực không thể thay thế được; rằng Vật lý học là môn học thực nghiệm, có một số thí nghiệm, mô hình Vật lý giáo viên và học sinh có thể tự tìm kiếm để thực hiện, song còn không ít thí nghiệm phải có được những dụng cụ được chế tạo tương đối chính xác mới có thể làm được. Trường cấp 3 Hải Hậu xin thống kê những đồ dùng thí nghiệm Vật lý có thể tự làm, còn những thí nghiệm khác phải được cung cấp những dụng cụ cao cấp hơn. Tôi dám nêu lên điều đó bởi vì tuy trường mới, giáo viên mới, nhưng thầy trò đã mày mò chịu khó làm được một số đồ dùng dạy học thực sự, nhưng điều quan trọng hơn là muốn bác lại một số người luôn luôn hô hào phải làm lấy đồ dùng dạy học mà không nghĩ đến việc phải lo trang bị cho nhà trường những dụng cụ thí nghiệm Vật lý đích thực, khi đất nước đã chuyển sang giai đoạn mới. Đó là thách thức lớn trong những năm đầu dạy học của tôi. Điều này rất có ích cho tôi khi công tác ở vùng núi thuộc tỉnh Sơn La sau này.

Thực hiện phương châm học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với lao động sản xuất và hoạt động xã hội, hưởng ứng chủ trương của nhà trường, tôi hô hào và dẫn đầu học sinh lao xuống ao làng vớt sạch mọi cái bèo tây và rong rêu lên để ủ phân xanh. Rong bèo thu được hàng tấn, nhưng sau khi để hoai chẳng còn được bao nhiêu và cũng không đem bón ruộng được! Cho đến bây giờ tôi vẫn còn băn khoăn về tác dụng thực tế của công việc ấy! Tôi nghĩ chỉ có thời bấy giờ mới đi làm những việc mà bây giờ chúng ta không tưởng tượng nổi!...

Hồi ấy, hàng tháng tôi thường dành một hai ngày chủ nhật để đến thăm gia đình học sinh ở Xuân Trường hoặc Giao Thủy. Sáng sớm đi bộ một mạch từ Hải Phương đến Lạc Quần. Nếu đi Xuân Trường thì qua Kiên Lao, Xuân An, Xuân Bắc, Xuân Ngọc, Hành Thiện, Xuân Thượng. Nếu đi Giao Thủy thì rẽ xuống Giao Tiến, Giao An, Quất Lâm… rồi quay về là hết ngày chủ nhật. Buổi trưa, đến nhà phụ huynh mời ăn cơm là ăn luôn, vì thời bấy giờ làm gì có cơm hàng, cơm bụi để mà từ chối. Mỗi lần đi như vậy giúp tôi hiểu thêm thực tế đời sống và sinh hoạt của nông thôn những huyện ven biển Nam Định, và đặc biệt ấn tượng về cảnh sắc, con người một vùng quê còn trong ký ức tôi đến tận bây giờ... Nhưng điều quan trọng hơn là giúp cho tôi hiểu biết và thông cảm với hoàn cảnh của các em học sinh của tôi thời bấy giờ. Nhiều em không đủ áo quần, không đủ tiền gạo ăn trong một tuần lễ trọ học.

Vì vậy, nỗi buồn lớn nhất của tôi là do thiếu kinh nghiệm giảng dạy và hướng dẫn ôn tập cho học sinh nên kết quả thi tốt nghiệp của các em hai năm đầu đều thấp. Một số em học khá cũng phải thi lại năm sau. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn băn khoăn về điều này. Không biết các em có thông cảm với tôi không? Song, tôi tự an ủi rằng, đó là điều tất yếu ở một trường mới, giáo viên chưa vững tay nghề!

Ngày nay nhớ lại, tôi thấy mấy năm ở trường cấp 3 Hải Hậu thật là đẹp, thanh bình, nhiều kỷ niệm sâu sắc, sống thật vô tư, nhiều nhiệt tình mà cũng lắm sai sót. Đến nay, vòng thời gian đang khép lại, cái ưu điểm chẳng còn phát huy được, mà cũng chẳng sửa chữa được các sai lầm đó nữa, các bạn và các anh chị chắc cũng đồng tình với tôi như vậy.

Gần đây một số anh chị học sinh Hải Hậu đã đến nhà tôi chơi một đôi lần. Thầy trò cùng nhau ôn lại bao nhiêu kỷ niệm của những năm ở trường. Có anh nói với tôi rằng: cứ băn khoăn mãi vì một vài ý kiến của mình góp với tôi trong dịp Đoàn phát động học sinh tham gia xây dựng nhà trường, mà theo anh là đáng lẽ không nên nói, nhưng anh đã bộc trực nói ra. Tôi nói lại với anh rằng, tôi thật sự không nhớ một tí gì về việc ấy, trái lại, với anh tôi vẫn có ấn tượng và có cảm tình vì anh là một học sinh giỏi, ham hiểu biết nên năm ấy tôi dành cho anh học bổng duy nhất của lớp và còn vài lần đến thăm gia đình anh. Lại có chị học sinh khi gặp lại tôi đã nói rằng vẫn còn giữ lại bài kiểm tra bị điểm kém suốt bao năm qua! Tôi vô cùng sửng sốt. Đó là điểm kém rơi vào một học sinh khá. Một điểm bị oan! Tôi chắc rằng bài học đó nhắc nhở em trong suốt quá trình học tập sau này. Và quả thực như vậy! Sau 40 năm em đã trở thành một cán bộ có nhiều đóng góp cho xã hội và cho đất nước. Tôi nghĩ đó là những kỷ niệm vô cùng quý giá về quan hệ thầy - trò còn lại trong các anh chị học sinh.

Kể ra mấy điều như vậy, còn bao kỷ niệm vẫn còn nằm sâu trong mỗi ký ức chúng ta. Tôi nghĩ rằng mọi người hãy giữ lấy và thỉnh thoảng một lúc nào đó cái góc của quá khứ lại được lật trở ra, để mỗi chúng ta cùng vui, buồn về cái thời đẹp đẽ ấy! Tôi trộm nghĩ đó chính là cuộc đời, là cuộc sống. Cái có thể của ngày ấy giờ đã trở thành cái không thể; cái còn, cái mất, cái đã được nói ra, cái còn giữ mãi trong lòng; cái gì cũng đẹp, cái gì cũng quý giá, mà nhờ nó cuộc sống của mỗi chúng ta phong phú hơn, tâm hồn chúng ta trong sáng mãi lên.

Tôi, bản chất hơi trầm tính và khá nghiêm khắc với bản thân, nên khi công tác có lẽ cũng yêu cầu khá chặt chẽ với học sinh và đồng nghiệp, vì vậy có thể nhiều người ngại ngần, ngại giao thiệp. Có đồng nghiệp còn phê bình tôi là tự kiêu và xa rời quần chúng...! Nhưng tôi tự nghĩ: cái tâm của mình có trong sáng và vô tư không, mới là điều quan trọng nhất. Cái may cho tôi hồi ấy là nhiều cán bộ học sinh đã lớn tuổi, tự đảm đương tổ chức nhiều hoạt động của trường của lớp.

Điều đó giúp cho tôi dễ dàng trong công tác Chủ nhiệm rất nhiều. Như tôi đã viết, tôi ở trường cấp 3 Hải Hậu chỉ có hơn bốn năm, nhưng đấy là bốn năm hết sức quan trọng vì nó góp phần định hình quan điểm và tác phong công tác của tôi những năm sau, khi tôi đến công tác tại vùng Tây Bắc và cả những năm sau này. Tôi đã làm việc với động cơ hết sức vô tư và tinh thần trách nhiệm cao, đi bằng hai chân của mình và đều suy nghĩ từ khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại, không dựa dẫm mong đợi sự nâng đỡ của bất kỳ người nào. Nhìn thấy cái hay của người để mà học tập, tránh những cái dở của người mắc phải để tự răn mình; không ghen ghét tị nạnh với ai, không phàn nàn ca thán khi mình bị thiệt thòi. Nhờ đó, bây giờ rỗi việc, tôi tự cảm thấy thoải mái, không có điều gì phải vương vấn lương tâm, hoặc ăn năn, hối hận.

Còn đối với các anh chị học sinh bị điểm kém oan thì cũng đành chịu vậy, hãy nhắc nhở các cháu của mình chuyên cần học tập. Tôi nói các cháu vì con của các bạn chắc chẳng còn ai đi học. Vì tôi cũng nghiệm rằng từ hồi đi học, những ngày chủ quan cho rằng mình không bị kiểm tra bài cũ lại hay bị gọi trả bài, lạ vậy!

---

Tôi ghi lại những điều trên đây từ năm 2000, khi các bạn học sinh lớp B Khóa I khởi xướng viết về những kỷ niệm trường cấp 3 Hải Hậu 40 năm thành lập. Ấy thế mà đến nay đã gần 20 năm qua (2019).

Những ký ức về mái trường nhà tranh vách đất, những gương mặt đồng nghiệp trẻ trung, những ánh mắt học trò thân yêu vẫn hiện lên rõ rệt trong tôi.

Một nhóm hơn mười cán bộ, giáo viên đầu tiên của trường nay chỉ còn lại năm, sáu người!

Một số học sinh đã là liệt sĩ nơi chiến trường chống Mỹ, hoặc đã trở thành người thiên cổ!

Các em học sinh thân yêu! Hãy cho tôi gọi các em một lần nữa, những học sinh Hải Hậu của sáu mươi năm về trước, mặc dầu các em cũng đã thuộc vào lớp những người “cổ lai hy”, có em đã là những người có chức vị cao trong xã hội, để nói lên rằng: mối quan hệ thân thương, những tình cảm chân thành, sâu sắc của thầy - trò chúng ta là quý giá vô cùng. Tôi xin trích ra đây một câu ngắn trong thư của anh Trần Ngọc Bảo (đã mất) gửi cho tôi năm 2002 như sau: “Mà sao các thầy nói với học trò, dạy dỗ học trò toàn “một giọng”?... Tuyệt vời! Để... làm khổ thân em!”. Ôi! Một giọng tâm tình sâu sắc, một lời dỗi hờn âu yếm, một điệu nũng nịu đáng yêu!

Hãy làm sâu nặng thêm tình cảm thầy trò để làm nên truyền thống của nhà trường chúng ta - Trường cấp 3 Hải Hậu thân yêu!

                                                                               Hà Nội, tháng 3 năm 2019

                                                                                     Nguyễn Tố Khủa

                                                                Nguyên Hiệu phó trường cấp 3 Hải Hậu.

Tin liên quan